1. Văn bản điều chỉnh
Đạo luật Nhãn hiệu Nhật Bản (còn được gọi là Đạo luật 127, được thông qua ngày 13/4/1959, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/1960, và được sửa đổi, bổ sung lần cuối vào năm 2018)
Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp
Hiệp định Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu
Thỏa ước Nice về Phân loại hàng hóa và dịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế cùng một số văn bản hướng dẫn và điều ước quốc tế liên quan khác.
2. Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu
Trường hợp nào được bảo hộ và không được bảo hộ khi đăng ký nhãn hiệu?
Pháp luật Nhật Bản định nghĩa nhãn hiệu là bất kỳ ký tự, hình ảnh, ký hiệu, hình ảnh ba chiều hay bất kỳ màu sắc, âm thanh nào hoặc sự kết hợp giữa chúng mà có thể được nhận biết bằng nhận thức của con người. Đây là một phạm vi vô cùng rộng, trải dài từ các dấu hiệu mà con người có thể nhìn thấy bằng mắt, cho đến các dấu hiệu chỉ có thể được cảm nhận bằng các giác quan khác.
Tuy nhiên, các chủ sở hữu cần đảm bảo về khả năng phân biệt của nhãn hiệu. Chẳng hạn như, nếu nhãn hiệu được thể hiện quá đơn điệu thì rất khó có thể sử dụng như một đặc điểm để phân biệt với các nhãn hiệu khác. Ngược lại, nếu nhãn hiệu quá cầu kỳ, phức tạp thì khách hàng cũng rất khó để có thể ghi nhớ về chúng. Và đặc biệt, cần lưu ý rằng các nội dung của nhãn hiệu không được vi phạm những quy định mà pháp luật và đạo đức xã hội không cho phép.
3. Nhãn hiệu chưa đăng ký
Chủ sở hữu nhãn hiệu chưa tiến hành đăng ký bảo hộ có quyền gì không?
Chỉ có các nhãn hiệu nổi tiếng mới được Nhà nước Nhật Bản bảo hộ quyền như đối với các nhãn hiệu thông thường đã được đăng ký thành công. Vì vậy, các chủ sở hữu nhãn hiệu thông thường sẽ không có quyền gì nếu chưa nộp đơn đăng ký và được JPO cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.
4. Lợi ích khi đăng ký nhãn hiệu
Chủ sở hữu nhãn hiệu được hưởng quyền lợi gì khi đăng ký nhãn hiệu?
Một khi được nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ sở hữu có các quyền như sau:
Độc quyền sử dụng nhãn hiệu của mình đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký;
Có thể hoàn tất hồ sơ, giấy tờ pháp lý trong các hoạt động kinh doanh, trên các sàn thương mại điện tử hoặc khi tiến hành các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhãn hiệu hoặc các hàng hóa, dịch vụ có gắn nhãn hiệu;
Có quyền yêu cầu các chủ thể khác không được phép sử dụng nhãn hiệu của mình một cách trái phép;
Có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình, đặc biệt đối với các loại hàng hóa xuất nhập khẩu;
Có quyền yêu cầu các chủ thể xâm phạm quyền phải bồi thường thiệt hại do những hoạt động vi phạm của họ gây ra.
5. Quy trình đăng ký nhãn hiệu
5.1. Thời gian và chi phí đăng ký nhãn hiệu
Thông thường cần tốn bao nhiêu thời gian để có thể đăng ký được nhãn hiệu?
Theo quy định, toàn bộ thời gian từ khi nộp đơn đến khi cấp Văn bằng bảo hộ là khoảng 12 tháng. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế mà thời gian này có thể kéo dài hơn, thông thường khoảng 13 đến 15 tháng.
Quý khách có thể đọc thêm:
Thông thường cần tốn bao nhiêu chi phí để có thể đăng ký được nhãn hiệu?
Lệ phí cần nộp cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Nhật Bản – (Japan Patent Office - JPO): ¥3,400/01 đơn/01 nhóm đầu tiên, cho mỗi nhóm tiếp theo trong cùng một đơn là ¥8,600. Quý khách có thể theo dõi thông tin Bảng Lệ phí chi tiết tại đây.
Phí dịch vụ: tùy mỗi công ty, Quý khách có thể điền vào mục Liên hệ để được gửi ngay biểu phí chính thức cho nhãn hiệu cần đăng ký.
Khi nào việc đăng ký này chính thức có hiệu lực?
Sau khi được JPO cấp bằng bảo hộ thì thời hạn bảo hộ nhãn hiệu đó sẽ được kéo dài trong 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần , mỗi lần 10 năm.
Những trường hợp nào sẽ làm tăng thêm chi phí ước tính để đăng ký nhãn hiệu thành công?
Thứ nhất, trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu bị bên thứ ba phản đối vì cho rằng đơn đăng ký này gây ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền lợi của người khác và JPO cũng cho rằng lập luận này hợp lý và tiến hành thông báo về lý do hủy bỏ đơn, chủ đơn có quyền gửi lập luận phản bác, không đồng tình với quyết định này. Và lúc này, khoảng chi phí liên quan đến phản đối của bên thứ ba sẽ phụ thuộc vào từng công ty cung cấp dịch vụ.
Ngoài ra trường hợp chủ đơn nhận được Thông báo dự định từ chối từ JPO, lúc này chủ đơn cần phản hồi Thông báo, có thể do nhãn hiệu không đáp ứng khả năng phân biệt tự thân hoặc không đáp ứng khả năng phân biệt với nhãn hiệu có trước, lúc này cũng phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.
5.2. Hệ thống phân loại các nhóm hàng hóa, dịch vụ
Hệ thống phân loại các nhóm hàng hóa, dịch vụ nào được áp dụng khi đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản?
Nhật Bản sử dụng bảng phân loại Nice để phân loại các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Đây là bảng phân loại quốc tế, được sử dụng tại nhiều quốc gia, kể cả Việt Nam. Bảng phân loại này có tổng cộng 45 nhóm, bao gồm 34 nhóm hàng hóa và 11 nhóm dịch vụ.
Chức năng của việc phân loại này nhằm xác định rõ phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu trong đơn đăng ký thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ nào. Chủ sở hữu nhãn hiệu mong muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ ở phạm vi ngành nghề nào. Điều này giúp việc kiểm soát, xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Đồng thời, nếu chủ sở hữu nhãn hiệu A chỉ muốn kinh doanh các sản phẩm có gắn nhãn hiệu của mình ở nhóm sản phẩm B thì sẽ không khiến cho chủ sở hữu nhãn hiệu C có nhãn hiệu tương tự nhãn hiệu của A bị hạn chế quyền khi kinh doanh ở nhóm sản phẩm D hoàn toàn không liên quan, hay gây nhầm lẫn gì với nhóm sản phẩm B.
5.3. Yêu cầu về bằng chứng sử dụng nhãn hiệu
Việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế có phải là yếu tố bắt buộc để được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay không? Có cần phải nộp bằng chứng sử dụng nhãn hiệu từ trước hay không? Đăng ký nước ngoài có được cấp quyền ưu tiên nào không? Nếu đã được cấp văn bằng bảo hộ mà sau đó không thường xuyên sử dụng thì chủ sở hữu văn bằng cần làm gì để duy trì và có thách thức, rủi ro nào khi có bên thứ ba xâm lấn quyền hay không?
Ở Nhật Bản không yêu cầu cung cấp bằng chứng đã sử dụng hay dự định sử dụng khi nộp đơn đăng ký.
Tuy nhiên, trường hợp nhãn hiệu đăng ký thành công, chủ nhãn hiệu cần sử dụng chúng trong hoạt động kinh doanh. Vì nhãn hiệu nếu không được sử dụng trong thời gian là 3 năm kể từ ngày nhãn hiệu được cấp văn bằng (a three-year period from the registration date) sẽ có nguy cơ bị một bên thứ ba gửi Yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu do việc không sử dụng (Removal for non-use).
5.4. Dấu hiệu đánh dấu nhãn hiệu đã được đăng ký thành công
Những từ ngữ hay ký hiệu nào có thể được sử dụng để chỉ ra việc đã sử dụng nhãn hiệu trên thực tế hoặc đã đăng ký nhãn hiệu thành công? Việc đánh dấu này có bắt buộc hay không? Lợi ích của việc sử dụng và rủi ro khi không sử dụng các dấu hiệu này là như thế nào?
Việc đánh dấu bằng từ ngữ hay ký hiệu là không bắt buộc đối với nhãn hiệu đã được đăng ký thành công. Tuy nhiên, nhìn chung, ™ được sử dụng để thể hiện dấu hiệu đang sử dụng có chức năng là một nhãn hiệu và ® = ký hiệu đánh dấu nhãn hiệu đã đăng ký thành công.
Lưu ý thêm:
Quý khách có thể tra cứu nhãn hiệu trực tuyến của JPO tại đây.
Ngôn ngữ sử dụng để trả lời các Thông báo dự định từ chối nhãn hiệu (Office action) với JPO là tiếng Nhật
Tài liệu tham khảo viết bài được lấy từ:
Website JPO
Quý khách cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Ngân tại địa chỉ email: ngan.tran@maygusttrademarks.com.au hoặc liên hệ LinkedIn, Facebook.
Comments