top of page
Writer's pictureNgan Tran

Thông tin cơ bản về cách thức, thời hạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Australia


©Ngân Trần. All rights reserved.

Bạn là sinh viên và tò mò muốn biết những thông tin cơ bản về việc đăng ký nhãn hiệu ở Australia? Bạn là chủ sở hữu công ty và đang dự định xuất khẩu hoặc kinh doanh hàng hóa/dịch vụ tại Australia, muốn tìm hiểu thông tin trước khi liên hệ Luật sư nhãn hiệu? Hay bạn là một Luật sư nhãn hiệu ở Việt Nam và đơn giản muốn tham khảo về cách thức đăng ký nhãn hiệu ở nước bạn? Những thông tin dưới đây sẽ giải đáp cơ bản những thắc mắc này.

1.Đăng ký ở đâu? Tất nhiên là ở Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Australia (IP Australia) chi tiết thông tin như sau:

Tên văn phòng: IP Australia

Địa chỉ: Discovery House, 47 Bowes St, Phillip ACT 2606, Australia

Điện thoại: +61 26283 2999

Lưu ý: Pháp luật nhãn hiệu Australia không bắt buộc các chủ đơn nước ngoài phải thuê Luật sư ở nước sở tại. Tuy nhiên, lại bắt buộc phải có địa chỉ liên lạc tại Australia hoặc New Zealand để IP Australia liên lạc.

2.Văn bản pháp lý nào điều chỉnh Luật nhãn hiệu ở Australia?

Hai văn bản cơ bản điều chỉnh về Luật Nhãn hiệu của Australia, có thể truy cập tại đây: Văn bản pháp lý của Australia là:

  1. Trade Marks Act 1995

  2. Trade Marks Regulations 1995

Ngoài ra, văn bản mà các Luật sư nhãn hiệu Australia luôn nắm chắc là bộ “bí kíp” thể thẩm định nhãn hiệu của các thẩm định viên IP Australia, được gọi là IP Australia Trade Marks Office Manual of Practice and Procedure, có thể truy cập: tại đây.

3. Vậy muốn đăng ký một nhãn hiệu cần làm những bước gì? Bước 1. Tra cứu nhãn hiệu và chuẩn bị hồ sơ. – Tra cứu dữ liệu ở IP Australia: Tra cứu nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp – Tra cứu dữ liệu về tên thương mại: Trade name Search – Tra cứu phân loại nhóm hàng hóa/dịch vụ: Classification Search

Ngoài ra, tùy nhãn hiệu còn cần tra cứu các từ điển, sách và tạp chí chuyên ngành. Hồ sơ gồm:

  1. Tên, địa chỉ thông tin chủ nhãn hiệu

  2. Mẫu nhãn hiệu

  3. Nhóm hàng hóa/dịch vụ và mô tả hàng hóa/dịch vụ chi tiết

  4. Nếu ngôn ngữ khác tiếng Anh, cần có bản dịch

  5. Phí đăng ký

Lưu ý: Luật nhãn hiệu Australia chấp nhận việc ghi tiêu đề nhóm hàng hóa/dịch vụ (Class heading), tuy nhiên việc này không đồng nghĩa rằng nhãn hiệu của bạn được bảo hộ tất cả các hàng hóa/dịch vụ trong nhóm đó. Thông thường, khi xảy ra tranh chấp, chủ nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu được gắn với hàng hóa/dịch vụ nào trên thực tế, tức chỉ được bảo hộ trong phạm vi các hàng hóa/dịch vụ được sử dụng.

Khác với một số nước bắt buộc phải ghi chi tiết hàng hóa/dịch vụ như Mỹ hay Trung Quốc.

Bước 2: Cách thức đăng ký

  1. Phương pháp: đăng ký trực tuyến (tiện và rẻ hơn bưu điện) hoặc bằng bưu điện (cách này hiện tại không khuyến khích nên mắc hơn)

  2. Có 2 hình thức cơ bản khi đăng ký trực tuyến để lựa chọn:

  3. TM headstart: cách này dành cho những ai không biết rõ về qui trình và cách thức đăng ký như Hồ sơ tiêu chuẩn bình thường. Bạn sẽ nộp Hồ sơ thông tin nhãn hiệu của mình đến IP Australia, thẩm định viên của IP Australia sẽ liên hệ gửi bạn báo cáo về nhãn hiệu của bạn xem có đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ về căn cứ từ chối tuyệt đối (absolute refusal grounds) và căn cứ từ chối tương đối (relative refusal grounds) hay không. Tuy nhiên, IP Australia không thể đảm bảo 100% liệu có bị phản đối đơn từ một bên khác hay không. Tức kết quả báo cáo chỉ có tính tương đối. Chi tiết thông tin tại đây: TM Headstart

  4. Standard online application: Hồ sơ tiêu chuẩn, dành cho những ai nắm rõ quy trình và pháp luật nhãn hiệu Úc. Thông thường là các Luật sư nhãn hiệu của Úc. Chi tiết thông tin tại đây: Standard application

Ưu điểm lớn nhất của việc nộp Hồ sơ tiêu chuẩn là (1) giảm được chi phí, và (2) ngày ưu tiên chính là ngày nộp đơn.

IP Australia sẽ kiểm tra nhãn hiệu trên cả 2 căn cứ:

  1. Tuyệt đối (absolute grounds):[1] đánh giá khả năng phân biệt tự thân (distinctiveness) của nhãn hiệu, tức nhãn hiệu không thuộc các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu và tạo được sự phân biệt khi chủ nhãn hiệu sử dụng dấu hiệu này làm nhãn hiệu.

  2. Tương đối (relative grounds)[2]: so sánh nhãn hiệu với các nhãn hiệu đối chứng (cited marks) để xem các nhãn hiệu có thuộc trường hợp trùng (substantially identical with) hoặc tương tự (deceptively similar to) đến mức có thể gây nhầm lẫn.

Bước 3: Công bố kết quả đăng ký

  1. Sau 3 đến 4 tháng từ lúc nộp hồ sơ đăng ký.

  2. Nếu nhãn hiệu được IP Australia chấp nhận, họ sẽ gửi thông báo bằng văn bản đến chủ nhãn hiệu.

  3. Nếu bạn nhận được báo cáo (adverse examination report) sau khi IP Australia kiểm tra nhãn hiệu của bạn, bạn có 15 tháng để phản hồi báo cáo này. Nếu phản hồi được chấp nhận thì nhãn hiệu của bạn được chấp nhận. Nếu không, bạn sẽ nhận được báo cáo tiếp theo.

  4. Nếu sau 15 tháng mà bạn không phản hồi, tức đã quá hạn. Bạn vẫn có thể gia hạn thêm 6 tháng nữa một cách dễ dàng (easy extension period). Tức tối đa có thể gia hạn dễ dàng là 21 tháng. Sau 21 tháng, bạn chỉ có thể gia hạn căn cứ vào điều 224 (do lỗi của IP Australia/Agent/người liên quan/bất khả kháng) Luật nhãn hiệu 1995. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu của việc gia hạn, quan trọng nhất là phần giải trình lý do trong Statutory Declaration, đồng thời phải trả phí đầy đủ.

  5. Nhãn hiệu sẽ được công bố chấp nhận trên công báo trong 2 tháng để các bên có nhu cầu có thể phản đối (opposition procceding)

  6. Sau 2 tháng, nếu không có ai phản đối  hoặc không có lý do gì để không chấp nhận nhãn hiệu, và chủ nhãn hiệu trả phí đầy đủ thì nhãn hiệu chính thức được đăng ký.

  7. Nếu có người phản đối bằng việc nộp Thông báo phản đối (A notice of opposition)[3], bạn sẽ bảo vệ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu của mình bằng việc nộp Thông báo dự định chống lại sự phản đối (Notice of intention to defend opposition to registration), nếu không hồ sơ nhãn hiệu của bạn sẽ bị vô hiệu. Các bên khi tham gia vào quy trình phản đối đơn sẽ phải cung cấp các chứng cứ và lập luận của mình. Chi tiết có thể xem: tại đây

  8. Căn cứ để phản đối đơn cũng giống như căn cứ để từ chối đơn, tức cũng dựa vào căn cứ tuyệt đối (absolute grounds) và căn cứ tương đối (relative grounds).[4]

  9. Nếu được bảo hộ, nhãn hiệu của bạn có thời gian bảo hộ là 10 năm tính từ lúc đăng ký.

Lưu ý: Ở Australia, bạn có thể yêu cầu “Kiểm tra nhanh” (Expedited examination)[5] nhãn hiệu của bạn. Tất nhiên, bạn phải nộp văn bản giải trình lý do tại sao muốn được kiểm tra nhanh hơn. Có thể là do có một vụ kiện khác đang xử lý mà cần có kết quả từ việc kiểm tra nhãn hiệu này làm căn cứ giải quyết, hay bạn cần phải có kết quả này để làm việc với các đối thủ kinh doanh hay bên có hành vi xâm phạm nhãn hiệu của bạn, hay cần nó để làm căn cứ tung sản phẩm mới.

Tuy nhiên nhớ rằng, việc nhận được thông báo đồng ý kiểm tra nhanh và được chấp nhận nhanh không đồng nghĩa với việc được bảo hộ nhanh. Vì dù có được chấp nhận nhanh, nhưng việc đăng công báo chính thức vẫn bị trì hoãn ít nhất là 4 tháng từ ngày nộp đơn, và thêm 2 tháng đăng công báo nữa tức ít nhất là 6 tháng. Vì điều này nhằm đảm bảo việc yêu cầu hưởng quyền ưu tiên 6 tháng từ lúc nộp đơn, theo yêu cầu của Công ước mà Úc đã tham gia.

 Như vậy, ở Australia một nhãn hiệu được bảo hộ sớm nhất là khoảng 7,5 tháng từ lúc nộp đơn.

Love,

Ngân Trần

Bạn thích bài viết này? Ngân rất vui nếu được bạn tặng một bông hoa hướng dương để có thể duy trỳ trang Blog này trong dài hạn.

 

[1] Section 41 of Trade Mark Act 1995.

[2] Section 44,Trade Marks Act 1995.

[3] Section 52,Trade Marks Act 1995.

[4] Section 57, Trade Marks Act 1995.

[5] Section 4.18, 4.19 Trade Marks Regulations.

1 view0 comments

Comments


bottom of page