Hôm nay, một khách hàng liên hệ mình vì nhãn hiệu của họ nhận được thông báo Dự định từ chối (Adverse report) từ Cục sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia).
Khách nói rằng tại sao anh đã đăng ký thành công “business name”, nhưng lại không được chấp nhận khi đăng ký “trademark”? Có điều gì vô lý ở đây?
Vì tưởng đăng ký thành công “business name” nên anh đã thuê nhân công, mua nguyên vật liệu sản xuất rồi, giờ lại nhận được thông báo này, giờ biết làm sao đây?
-----
Thực tế, đây là một hiểu lầm hay có của khách hàng (những người không làm trong lĩnh vực pháp lý), hiểu nhầm rằng “đăng ký business name thành công là mình đã được “độc quyền” cái tên đó (thương hiệu)".
Rất tiếc, thực tế không phải vậy.
Vì bản chất pháp lý của “business name”, “trademark” và “company name” là khách nhau. Nội dung bên dưới sẽ làm rõ giúp bạn.
1. Định nghĩa và đặc điểm
Business name (tên kinh doanh):
Ngay nghĩa tiếng Việt của nó đã thể hiện bản chất, tức tên “dùng để sử dụng trong giao dịch kinh doanh.” Tên này dùng để phân biệt chủ thể kinh doanh A và B (không phải phân biệt hàng hóa/dịch vụ).
Đây là tên để khách hàng nhận diện doanh nghiệp của bạn. Tên này có thể trùng với tên công ty (company name) đã đăng ký hoặc khác.
Nếu bạn là “sole trader” và muốn dùng tên cá nhân để thực hiện các giao dịch kinh doanh luôn thì không cần đăng ký “business name.” Ví dụ: mình muốn dùng tên cá nhân “Tran Thi Thanh Ngan” cho doanh nghiệp của mình thì không cần đăng ký business name. Nhưng nếu mình muốn dùng tên “Maygust Trademark Attorneys” thì mình cần đăng ký “busines name.”
Chủ yếu dùng để nhận diện - không có quyền độc quyền trừ khi được đăng ký là nhãn hiệu.
Quá trình đăng ký với ASIC tương đối đơn giản và ít tốn kém.
Bảo vệ bạn khỏi các tên doanh nghiệp giống hệt hoặc gây nhầm lẫn trong phạm vi nước Úc.
Company name (tên công ty)
Đây là tên pháp lý chính thức của công ty (một thực thể độc lập, không liên quan gì đến tài sản của cá nhân của bạn) thường hay có các chữ như “Pty Limited” ở đăng sau ( Ví dụ: Ngan Tran Pty limited).
Bắt buộc phải có đối với các công ty đã đăng ký.
Đăng ký tại Australian Securites & Investments Commission (ASIC). Tên này sẽ xuất hiện trên các tài liệu pháp lý và hợp đồng.
Là tên hợp pháp của công ty bạn cho các mục đích chính thức.
Trademark (nhãn hiệu hay còn gọi là thương hiệu)
Đây là một dấu hiệu dùng để phân biệt các sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể của bạn với các sản phẩm hoặc dịch vụ của đối thủ cạnh tranh. Nhãn hiệu có thể là một từ, cụm từ, logo, hình ảnh, âm thanh, hình dạng hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.
Do đó khi đăng ký nhãn hiệu, bắt buộc bạn phải nhóm hàng hóa/dịch vụ cụ thể muốn đăng ký. Ví dụ: Maygust Trademark Attorneys cho nhóm 45: dịch vụ về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, hay Phở Thìn cho nhóm 43: nhà hàng.
Cung cấp quyền độc quyền sử dụng thương hiệu cho các loại hàng hóa/dịch vụ cụ thể trên toàn quốc.
Quá trình đăng ký với IP Australia phức tạp và tốn kém hơn so với tên doanh nghiệp.
Cung cấp cơ sở pháp lý để chống lại hành vi xâm phạm thương hiệu.
Hình ảnh mô tả một Văn bằng nhãn hiệu được bảo hộ tại Úc do bên Ngân hỗ trợ.
2. Cách kiểm tra Business name, company name và Trademark
Kiểm tra Business name, company tại ASIC.
Kiểm tra Trademark tại IP Australia.
3. Chi phí và thời gian đăng ký
Business name và company name đăng ký tại ASIC khá nhanh và đơn giản. Ví dụ: Business name có ngay trong khoảng 1 đến 3 ngày. Chi phí khoảng 37$/1 năm sử dụng
Trademark: khá phức tạp, nhanh nhất là 7 đến 8 tháng. Riêng phí hành chính là $250 hoặc $400 cho mỗi nhóm hàng hóa/dịch vụ. Thêm nhóm thì cần tính thêm phí hành chính. Ngoài ra, còn tốn thêm phí dịch vụ nếu bạn không tự làm được. Tuy nhiên, ưu điểm là nếu bảo hộ thì được dùng trong 10 năm, không cần tốn phí gia hạn hàng năm như business name.
4. Lời khuyên
Cần hiểu rõ bản chất của business name, company name và trademark để biết mình nên đăng ký tên nào, tránh hiểu nhầm như khách hàng ở ví dụ đầu bài của Ngân
Khi lựa chọn tên trademark, hãy đảm bảo tên đó độc đáo để có khả năng được bảo hộ cao hơn.
Nên tra cứu nhãn hiệu kỹ càng để tránh vi phạm quyền của người khác.
Cân nhắc đến việc đăng ký cả tên kinh doanh/hoặc nhãn hiệu để bảo vệ tốt hơn cho thương hiệu mà bạn kinh doanh.
Đặc biệt, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy định của luật Australia trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu.
Kết luận
Sự hiểu biết rõ ràng về sự khác nhau giữa “business name,” “company name” và “trademark” là điều cần thiết cho các doanh nghiệp tại Australia. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố như bản chất, chi phí, thời gian đăng ký, quyền lợi được hưởng để lựa chọn hình thức đăng ký phù hợp với nhu cầu của bạn.
Lưu ý: Đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo, không thay thế cho tư vấn pháp lý chuyên nghiệp.
Quý khách cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Ngân tại địa chỉ email:
ngan.tran@maygusttrademarks.com.au hoặc liên hệ LinkedIn, Facebook.
Comentarios