
Khi nhận được Thông báo (Adverse report) từ IP Australia rằng nhãn hiệu đã nộp bị trùng hay tương tự có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đối chứng (cited marks), nên không được chấp nhận.
Nếu phát hiện các nhãn hiệu đối chứng thuộc các trường hợp bên dưới, thì nên cân nhắc Nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu do không sử dụng (Removal for non-use).
Các căn cứ: Có 2 căn cứ cơ bản, có thể sử dụng 1 trong 2 hoặc cả 2 căn cứ:
Thứ nhất: S94(4)(a) Luật nhãn hiệu Australia 1995 tại thời điểm đăng ký (tức mới nộp hồ sơ chưa có được bảo hộ), thì chủ đơn nhãn hiệu không có ý định sử dụng nhãn hiệu một cách đứng đắn (good faith).
Thứ hai: S94(4)(b): nhãn hiệu đã được bảo hộ (registered), nhưng trong vòng 3 năm và 1 tháng :
Chủ nhãn hiệu đã không sử dụng nhãn hiệu.
Chủ nhãn hiệu đối chứng đã không sử dụng nhãn hiệu một cách đứng đắn (good faith). Trường hợp này thường xảy ra đối với những nhãn hiệu đăng ký A, nhưng sử dụng trên thực tế lại các biến thể A’, hay A’’. Phổ biến nhất là việc dùng các biến thể màu sắc, cách điệu, hay dùng thêm các họa tiết, hoa văn v.v. Trong trường hợp này, một câu hỏi đặt ra là việc chủ nhãn hiệu sử dụng các biến thể A’ hay A’’ có được xem là đang sử dụng nhãn hiệu A hay không? Mình sẽ viết một bài chi tiết về vấn đề này sau ha.
Chủ nhãn hiệu không có dự định sử dụng nhãn hiệu.
Nếu sử dụng căn cứ thứ 2, cần lưu ý những vấn đề sau:
Bắt buộc nhãn hiệu đã phải được bảo hộ (registered).
Ít nhất 5 năm từ ngày nhãn hiệu đăng ký nếu nhãn hiệu đã nộp trước 24/02/2019 hoặc ít nhất 3 năm từ khi nhãn hiệu được bảo hộ nếu nhãn hiệu đăng ký sau ngày 24/02/2019. Lưu ý phải 3 năm 1 tháng mới đủ thời gian nộp hồ sơ Hủy bỏ nhãn hiệu do không sử dụng.
Nếu không đáp ứng các điều kiện trên thì hồ sơ hủy bỏ nhãn hiệu do không sử dụng coi như không hợp lệ. Tuy nhiên, được trả lại tiền phí Hành chính đã nộp.
Phí hành chính để nộp hồ sơ là: 250$ Australia cho 1 nhãn hiệu.
Còn nhiều thông tin chi tiết nữa như chủ nhãn hiệu có thể Phản đối yêu cầu của bạn (opposition for non-use), cách chứng minh nhãn hiệu đã được sử dụng như thế nào của chủ nhãn hiệu, mức độ cần chứng minh như thế nào v.v. sẽ được viết ở các bài sau.
Hình minh họa bên dưới là Công ty Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam đã nộp Hồ sơ hủy bỏ đối với nhãn hiệu VIFON của công ty L & T, hồ sơ hủy bỏ này chỉ hủy bỏ được một phần nhãn hiệu VIFON đối với các sản phẩm mà công ty L & T không có các hoạt động thương mại. Đối với những sản phẩm khác công ty L & T hiện tại vẫn là chủ sở hữu của nhãn hiệu VIFON tại Australia.

©Ngân Trần. All rights reserved.
Comments