Những lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ (US)
Hôm qua mình rất vui khi nhận được thông tin về nhãn hiệu của người bạn, được mình tư vấn đã được chính thức bảo hộ ở Mỹ.
Thực sự, nhãn hiệu này lưu giữ cùng mình nhiều kỷ niệm lắm. Đầu tiên, mình cũng khá bất ngờ khi người bạn mình biết lâu năm hỏi về việc bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ và Việt Nam, cũng đúng thời điểm mình đang học môn Trademark Practice, nhưng trong lòng vẫn đang mung lung về nghề nghiệp của bản thân.
Được bạn hỏi về nhãn hiệu làm mình chợt nhận ra, ừ chí ít bạn bè mình cũng biết được mình đang làm về nhãn hiệu và thấy vui khi kiến thức và kinh nghiệm có thể áp dụng trên thực tế. Và càng vui hơn khi nhận thấy vấn đề bảo hộ nhãn hiệu đang được nhiều người quan tâm trong thời đại thương mại điện tử ngày càng chiếm ưu thế. Bạn có thể ở một vùng đồi núi xa xôi của Việt Nam, nhưng điều đó không ngăn cản bạn có thể bán các sản phẩm của mình đến tận nửa kia của quả địa cầu.
Bởi một doanh nghiệp còn mới và chưa có nhiều doanh thu thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Mỹ, đặc biệt là chi phí trả lời Thông báo (Office Action) từ USPTO là không hề nhỏ. Do đó mình đã cố gắng tư vấn chọn Nhãn hiệu là từ tự đặt (Fanciful mark), tuy nhiên trên thực tế với một số lượng hồ sơ nhãn hiệu khủng lồ ở Mỹ, việc chọn một cái tên để dễ dàng được bảo hộ và hạn chế tối đa bị nhận Office Action và bị phản đối là điều không hề đơn giản.
May mắn, bạn mình đã chọn được một cái tên vừa ưng ý và vừa có khả năng cao được bảo hộ, nên cuối cùng nhãn hiệu của bạn đã được bảo hộ tại Mỹ.
Tuy nhiên khác với Việt Nam hay Australia không cần nộp bằng chứng sử dụng hay dự định sử dụng khi nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, ở Mỹ lúc nộp hồ sơ nhãn hiệu bạn phải nộp bằng chứng sử dụng hay dự định sử dụng hay dựa vào các căn cứ như sau:
Nộp Bằng chứng đã sử dụng (trước hay tại ngày nộp đơn) theo điều 1(a)(use in commerce basic) bằng việc cung cấp ngày tháng năm mà nhãn hiệu đã sử dụng tại Mỹ được gắn liền với sản phẩm đăng ký (chỉ cần cung cấp hình ảnh không cần sản phẩm thật).
Nộp Dự định sử dụng theo điều 1(b)(Intet to use in commerce basic), tức nhãn hiệu chưa được sử dụng ở Mỹ. Tuy nhiên, trong trường hợp này USPTO chỉ cấp văn bằng bảo hộ sau khi USPTO cấp thông báo chấp thuận (Notice of Allowance) và chủ đơn nộp Tuyên bố sử dụng nhãn hiệu ở Mỹ (Statement of use).
Nộp đơn dựa vào một nhãn hiệu đã được bảo hộ theo điều 44(e), tức nhãn hiệu ở Việt Nam đã được bảo hộ. Do đó chủ sở hữu chỉ cần cung cấp bản dịch và bản sao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam. Không cần nộp bằng chứng sử dụng.
Nộp đơn dựa vào một hồ sơ nhãn hiệu đã được nộp (tức chưa được bảo hộ) trong vòng 6 theo điều 44(d) (foreign priority basic) tính đến thời điểm nộp đơn tại Mỹ. Trường hợp này chủ nhãn hiệu ở Việt Nam phải cung cấp bản sao và bản dịch Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì mới được cấp bằng.
Ngoài ra, có thể nộp đơn theo điều 66 (a) tức hồ sơ nhãn hiệu dự định nộp tại Mỹ căn cứ theo một đơn đăng ký quốc tế (Madrid Protocol) có chỉ định vào Mỹ. Lúc này chủ nhãn hiệu không cần phải cung cấp bằng chứng sử dụng hay bản sao giấy chứng nhận đăng ký ở Việt Nam.
Thông tin chi tiết tại đây.
Ngoài ra, chủ sở hữu nhãn hiệu ở Mỹ còn cần lưu ý về việc Nộp bằng chứng sử dụng:
Từ năm thứ 5 và năm thứ 6 tính từ ngày nhãn hiệu được USPTO cấp văn bằng để gia hạn hiệu lực cho các năm còn lại của 10 năm hiệu lực đầu tiên.
Nộp bằng chứng sử dụng và Đơn xin gia hạn vào năm thứ 9 và năm thứ 10 tính tính từ ngày nhãn hiệu được USPTO cấp văn bằng để gia hạn 10 năm tiếp theo.
Và tương tự phải nộp bằng chứng sử dụng và Đơn xin gia hạn trong năm thứ 9 và năm thứ 10 của các lần gia hạn tiếp theo.
Thông tin chi tiết tại đây.
Cảm giác rất vui khi nhìn thấy một tên thương hiệu nữa đã được chính thức được bảo hộ về mặt pháp lý, và sẽ tuyệt vời hơn nữa khi thấy những sản phẩm/dịch vụ được gắn lên mình những nhãn hiệu đã được bảo hộ khi vô tình bắt gặp ở một website hay siêu thị nào đó.
Ngân cảm thấy như có một phần của mình trong đó (ảo tưởng dễ sợ hi hi). Những chữ cái, những hình ảnh, những logo nhỏ nhỏ vậy á, nhưng đằng sau nó là cả một câu chuyện dài của chủ thương hiệu, của những người đồng hành và cả những cộng sự đang hàng ngày cố gắng và nỗ lực từng chút một để tên thương hiệu của mình được bay cao và bay xa hơn nữa.
Love,
Ngân Trần
Bạn thích bài viết này? Ngân rất vui nếu được bạn tặng một bông hoa hướng dương để có thể duy trì trang Blog một cách bền vững.
©Ngân Trần. All rights reserved.
Comments