top of page
Writer's pictureNgan Tran

Giải bài toán “gia tăng niềm tin cho người tiêu dùng”

Updated: Sep 29, 2023



Bài viết được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 23/2022 - ngày 09/6/2022


Người Úc dùng hàng Úc


Đến Coles, một trong những siêu thị phổ biến ở Úc để mua gói kẹo, tôi hỏi bạn (một người Úc) muốn chọn loại nào. Bạn nói lấy bịch kẹo có dấu nhãn hiệu chứng nhận của Úc gắn hình con kangaroo (Nhãn hiệu chứng nhận Australian Made). Bạn nói đó là cách chúng ta nên làm để ủng hộ hàng Úc cũng như những doanh nghiệp địa phương, và chất lượng cũng được đảm bảo.


Câu nói của bạn làm tôi chú ý hơn những sản phẩm khác được bày bán tại các siêu thị. Một điều làm tôi bất ngờ là gần như đa số các sản phẩm được sản xuất và bán ở Úc đều sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này.

Nhãn hiệu chứng nhận thời trang của Úc

Càng làm tôi chú ý hơn khi từ ngày 9 đến 13 tháng năm vừa qua, tại tuần lễ thời trang của Úc xuất hiện Nhãn hiệu chứng nhận thời trang đánh dấu tròn một năm (05/2021) chính phủ liên bang (the Federal Government) đã cho phép Hiệp hội thời trang Úc (the Australian Fashion Council (AFC)) phát triển nhãn hiệu chứng nhận thời trang Úc. Mục tiêu chính là đẩy mạnh sự phát triển trong lĩnh vực thời trang của Úc ở thị trường trong nước và quốc tế.

Nhãn hiệu chứng nhận này không chỉ được sử dụng cho:

  1. Sản phẩm được làm ở Úc.

  2. Còn dành cho các các thương hiệu thời trangcủa Úc, tức dù có được gia công ở đâu, nhưng thương hiệu đó của doanh nghiệpÚc thì vẫn được chấp nhận.

Một số nhãn hiệu chứng nhận nổi tiếng ở Úc

Nhãn hiệu chứng nhận khác gì với nhãn hiệu thông thường


Có ba đặc điểm khác biệt cơ bản giữa nhãn hiệu thông thường và nhãn hiệu chứng nhận mà doanh nghiệp cần nắm rõ.


Đầu tiên, nhãn hiệu thông thường là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Do đó dấu hiệu là nhãn hiệu thông thường phải có tính phân biệt.


Trong khi đó, nhãn hiệu chứng nhận, ngay tên gọi đã thấy rõ mục tiêu của loại nhãn hiệu này là để chứng nhận rằng hàng hóa, dịch vụ đáp ứng một số yêu cầu cụ thể về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nguyên vật liệu sử dụng, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ v.v của hàng hóa, dịch vụ gắn nhãn hiệu. Nên nhãn hiệu chứng nhận có thể chứa các dấu hiệu mang tính chất mô tả (không phân biệt), miễn những dấu hiệu này không trùng hay tương tự gây nhầm lẫn với các dấu hiệu là chỉ dẫn thương mại (nhãn hiệu, tên thương mại, tên doanh nghiệp, logo…) đã được bảo hộ trước.


Thứ hai, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu do một chủ thể đăng ký để chứng nhận cho các chủ thể khác có các hàng hóa, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. Do đó có thể xem chủ thể đăng ký là người đại diện cho các chủ thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nên thông thường các chủ thể này là các Tổ chức uy tín, Cơ quan nhà nước hay các Hiệp hội đã khẳng định được tên tuổi.

Ví dụ:

  1. Nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam Chất Lượng Cao Do Người Tiêu Dùng Bình Chọn của Báo Sài Gòn tiếp thị.

  2. Nhãn Du Lịch Bền Vững Cho Cơ Sở Lưu Trú Du Lịch Việt Nam của Tổng cục du lịch – Bộ văn Hoá Thể thao và Du Lịch.

  3. Hay Nhãn hiệu chứng nhận Gạo Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ ba, nhằm tạo nên sự khách quan và uy tín của nhãn hiệu chứng nhận trước sự đánh giá của người tiêu dùng, chủ nhãn hiệu chứng nhận sẽ không được phép sử dụng nhãn hiệu chứng nhận do mình đăng ký, mà chỉ được phép cho các chủ thể khác sử dụng khi các chủ thể này chứng minh hàng hóa, dịch vụ của mình đáp ứng các tiêu chuẩn đã được chủ nhãn hiệu chứng nhận quy định. Những quy định này được gọi là Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, một trong những tài liệu bắt buộc cần có trong một hồ sơ nộp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.


Điều này cũng tương tự khi nộp yêu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Úc. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, ở Úc Quy chế sử dụng nhãn hiệu này (Rules for a certification trademark) sẽ được một cơ quan độc lập kiểm tra có tên là Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc (Australian Competition & Consumer Commission-ACCC).


Tại sao doanh nghiệp Việt nên quan tâm hơn về nhãn hiệu chứng nhận?


Trong Báo cáo “Tương lai châu Á, Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt” của McKinsey & Company phát hành vào tháng 11/2021 vừa qua, đáng chú ý đề cập hai xu hướng của người tiêu dùng Việt trong thời gian sắp đến: (1) Dành nhiều sự ưu ái hơn cho các thương hiệu bản địa tức những thương hiệu châu Á, trong đó có thị trường Việt Nam, và (2) Lựa chọn lối sống có ý thức tức lối sống không chỉ nghĩ đến bản thân mà yếu tố môi trường, con người hay xã hội cũng được cân nhắc.


Điều này đã dần được thể hiện rõ trong một số xu hướng đã diễn ra trong thời gian gần đây như việc sử dụng lá chuối trong việc gói thực phẩm trong 03 siêu thị lớn của Việt Nam như Lotte Mart, Saigon Co-op ở thành phố Hồ Chí Minh, hay BigC ở Hà Nội. Việc sử dụng ống hút và cốc có thể tái sử dụng cũng dần phổ biến hơn trong lĩnh vực ăn uống.

Xu hướng sử dụng các dấu hiệu thân thiện với môi trường trong thiết kế nhãn hiệu như sử dụng tông màu xanh lá cây, hay thêm những từ ngữ đơn giản như “Xanh”, “Green” hay “Eco”….cũng được các doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng trong thực tiễn.


Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp bên cạnh dấu hiệu nội tại là tính chất vật lý của sản phẩm tạo nên đặc điểm, chức năng của hàng hóa, dấu hiệu ngoại kết cũng cần được phân tích.


Nó là các dấu hiệu liên quan trực tiếp đến sản phẩm (nhãn hiệu, bao bì, nhãn hàng hóa …) và các dấu hiệu ngoại kết khác liên quan đến hoạt động tiếp thị: giá cả, slogan hay cách dùng từ ….[1] Việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bên cạnh những giá trị nội tại và giá trị ngoại kết đã có sẵn sẽ là tiếng nói của bên “thứ ba” tác động lên khía cạnh cảm tính quyết định hành vi mua của người tiêu dùng. Mức độ tin tưởng càng cao thì sự tin cậy đối với thương hiệu của doanh nghiệp càng được củng cố.

Theo dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì có 497 nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp cho đến thời điểm hiện tại.[1] Đây là một con số khá lớn về mặt số lượng nhãn hiệu chứng nhận. Tuy nhiên, làm sao để phát huy hết giá trị của các loại nhãn hiệu chứng nhận này để đồng hành tốt cùng các doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao mức độ tin cậy của người Việt đối với hàng Việt vẫn đang là một bài toán cần được giải đáp.


Giải được bài toán này thì tương lai gần, “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không cần phải một Cuộc vận động của các cấp để nâng cao ý thức của người dân, mà nó sẽ là một điều hiển nhiên, như là một điều muốn làm và nên làm như người Úc đã làm được với nhãn hiệu “Australian Made”.


Trân trọng,


Quý Công ty cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Ngân tại địa chỉ email: ngan.tran@maygusttrademarks.com.au hoặc liên hệ LinkedIn, Facebook.

Nếu có nhu cầu sử dụng bài viết, vui lòng phải ghi rõ thông tin tác giả và đặc biệt dẫn link về website này.

 

[1] Đào Minh Đức, Giá trị góp thêm của nhãn hiệu vào sản phẩm, Tạp chí Phát triển Kinh tế, ĐH Kinh tế TPHCM, số 2/2004.


1 view0 comments

Comments


bottom of page