top of page
Writer's pictureNgan Tran

Cách chọn nhãn hiệu đúng sở thích và dễ được bảo hộ

Updated: Jan 26



Nội dung bên dưới sẽ giúp Quý công ty có thêm những gợi ý để hạn chế tối đa việc chọn tên thương hiệu theo cảm tính, tránh đầu tư nhiều thời gian và tài chính nhưng lại khó hoặc không được bảo hộ nên ai cũng có thể dùng nó.


Một nhãn hiệu tốt thường là:


1.Nhãn hiệu từ chữ tự tạo, “madeup words” hay “fanciful words”, không có nghĩa trong từ điển, không có bất cứ liên hệ gì với sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp.


Ví dụ: bia Huda Huế, hay G7 cho cà phê, Bluewise cho cung cấp dịch vụ đăng ký tư vấn vận hành doanh nghiệp.





Lý do chúng là nhãn hiệu mạnh: vì được chủ doanh nghiệp tự đặt, nên ít có khả năng trùng lặp với với bất kỳ ai, do những người kinh doanh trong cùng lĩnh vực của bạn cũng không nghĩ đến.


Nhược điểm, vì nó không có trong từ điển, cũng không tồn tại trên thực tế giao tiếp nên khó để khách hàng nhớ khi lần đầu tiếp xúc, tức khó để tạo được ấn tượng liên kết trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên, nếu chủ nhãn hiệu có thể tạo được sự “liên kết” giữa khách hàng và nhãn hiệu tức tự tin cung cấp được những sản phẩm/dịch vụ, những trải nghiệm tốt với khách hàng thì đây sẽ là dấu hiệu đóng chức năng nhãn hiệu tốt. Vì một khi khó nhớ, khó nhận biết nhưng đã nhớ thì nhớ rất lâu.

Kodak cũng là một trong ví dụ điển hình của loại nhãn hiệu này. Chữ tự tạo, không có nghĩa



2. Arbitrary marks


Đây là những chữ có nghĩa được sử dụng thường ngày, tuy nhiên những chữ này không có bất kỳ mối liên hệ nào với sản phẩm/dịch vụ mà chúng được sử dụng với chức năng là nhãn hiệu.


Một ví dụ nổi tiếng là Apple cho điện thoại và máy tính hay DOVE (chim bồ câu) cho xà phòng. Việt Nam có Kinh Đô cho bánh kẹo. Bởi nói Kinh Đô, chúng ta thường không có xu hướng liên hệ chữ đó với bánh kẹo, hay Táo thì đâu liên quan gì đến điện thoại. Do đó nhãn hiệu này cũng có khả năng được bảo hộ cao. Đây cũng là một lựa chọn nhãn hiệu tốt cho Quý công ty.


Nguồn hình ảnh tại đây


3. Suggestive marks (nhãn hiệu manh tính chất gợi ý)


Ví dụ như: Burger King cho cho bánh burger, ĐẠI TÍN cho ngân hàng, Airbus cho hàng không, hay MICROSOFT cho phần mêm máy tính.


“Suggestive” nghĩa là gợi ý, tức những chữ được sử dụng trong nhãn hiệu này sẽ gợi nhớ đến một những đặc điểm nào đó của sản phẩm/dịch vụ, tuy nhiên chúng không mô tả trực tiếp vào đặc điểm và chức năng của sản phẩm mà đòi hỏi khách hàng phải dùng nhận thức, trí tưởng tượng hoặc sự cảm nhận mới có thể nắm được thông điệp mà chủ nhãn hiệu muốn nhắm đến.


Nhãn hiệu này cũng có khả năng được bảo hộ, tuy nhiên lưu ý về mặt thiết kế và cách trình bày cần tạo được sự “phân biệt” đối với nhãn hiệu khi tiến hành đăng ký để gia tăng khả năng được bảo hộ.

Nhãn hiệu khó có khả năng bảo hộ


1. Descriptive Marks (nhãn hiệu mang tính chất mô tả)


Ví dụ bạn dùng: NGỌT NGÀO cho kẹo, FAST cho dịch vụ giao hàng hay MỀM DỊU cho sữa dưỡng da. Những chữ này đã mô tả trực tiếp bản chất, đặc điểm của sản phẩm/dịch vụ, tức ai trong cùng lĩnh vực cũng có nhu cầu sử dụng nó, do đó trên nguyên tắc sẽ không đáp ứng yêu cầu bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ liên quan đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu.


Trừ trường hợp nhãn hiệu này đã đạt được “sự phân biệt” thông qua quá trình sử dụng (“secondary meaning”), tức trước thời điểm nộp đơn đã được sử dụng trong thời gian dài và đã hình thành được “ấn tượng liên kết” với khác hàng. Và Quý công ty cần phải cung cấp các bằng chứng, tốn nhiều chi phí để thể hiện nhãn hiệu của mình đã có được “secondary meaning” này trong quá trình đăng ký.


2. Generic Terms (những ngữ chung)


Ví dụ: bạn không thể đăng ký nhãn hiệu “Bún bò hảo hạng” cho việc kinh doanh bún bò của mình hay “Đồng hồ ơi” cho việc bán đồng hồ. Chúng chỉ là những từ chung nói về sản phẩm đó, nên hoàn toàn không có khả năng được bảo hộ. Apirin là một ví dụ điển hình khi đã trở thành “generic words” và không còn khả năng bảo hộ. Hiện tại thì “Google” cũng là một trong những nhãn hiệu đang được tranh luận rất nhiều về vấn đề này.


3. Những nhãn hiệu kết hợp quá nhiều từ hay hình ảnh


Ví dụ: bao bì sản phẩm phức tạp. Có thể nhãn hiệu được bảo hộ, tuy nhiên rất khó ngăn chặn người khác bắt chước nếu họ chỉ dùng một phần nhỏ của nhãn hiệu, trừ khi họ bắt chước y chang, nhưng trên thực tế ai dại gì ? Tương tự như những câu slogan dài.


Như vậy:

Nên chọn:


  1. Những chữ tự tạo

  2. Những chữ/hình ảnh không liên quan hay mô tả trực tiếp sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp

Không nên:

  1. Chọn những chữ mà ai cũng nghĩ đến về sản phẩm/dịch vụ đó

  2. Chữ mô tả đặc điểm/tính chất sản phẩm/dịch vụ

  3. Slogan dài hay hình ảnh quá phức tạp

  4. Chữ/hình ảnh cấm sử dụng theo Luật nhãn hiệu các nước quy định.

Tóm lại, cũng không quá khó để chọn cho mình một cái tên dễ dàng được bảo hộ độc quyền nếu bạn nắm chắc nguyên tắc về pháp luật nhãn hiệu như đã nêu trên.


Ngoài ra, Quý công ty còn cần tại cơ quan nhãn hiệu các nước. Ví dụ tại Úc thì tra cứu thông tin tại Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc để xem liệu nhãn hiệu của mình có trùng hay tương tự với nhãn hiệu có trước trong cùng lĩnh vực kinh doanh hàng hóa/dịch vụ của mình đã được bảo hộ hay chưa. Hay tại Mỹ, Quý công ty có thể tra cứu tại website của USPTO.


Từ kết quả tra cứu mới có thể đưa ra quyết định liệu có nên chọn và tiến hành đăng ký nhãn hiệu đã chọn hay. Tuy nhiên, thường những người am hiểu về pháp luật nhãn hiệu mới có thể đưa ra các đánh giá kết quả nhãn hiệu tra cứu được.


Lưu ý 1:

  1. Ở Australia, Mỹ... các doanh nghiệp Việt Nam thường chọn các tên tiếng Việt, đây là một lợi thế cho việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bởi tiếng Việt thường khá độc và khó nhìn, khó nhớ đối với đối tượng khách hàng là người bản địa bởi tiếng Anh là ngôn ngữ chính, nên cũng thường có khả năng bảo hộ cao.

  2. Việc tra cứu tại dữ liệu thông tin tại Văn phòng sở hữu trí tuệ Úc hay Mỹ cũng không thể xác định định được các nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng “common right ownership” tức dù không tiến hành đăng ký nhưng thực tế vẫn sử dụng.

Lưu ý 2: Đây chỉ là thông tin mang tính chất tham khảo,  không phải là nội dung tư vấn pháp lý.

Quý khách cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Ngân tại địa chỉ email:


Nếu Quý doanh nghiệp cần một tài liệu tham khảo về vấn đề Bảo hộ nhãn hiệu toàn diện với những hướng dẫn cụ thể, thực tế, Quý công ty có thể đặt mua ngay sách “Tôi đi bảo hộ nhãn hiệu” của Ngân tại đây.




コメント


bottom of page