Lưu ý: Phần giải pháp đã được đăng trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn số 20/2021 ngày 13/05/2021.
Hình ảnh bài viết trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn số 20/2021 ngày 13/05/2021.
Thời gian vừa qua việc dấu hiệu ST25 bị các công ty ở Mỹ và Úc đăng ký đã được rất nhiều độc giả quan tâm. Đặc biệt, khi hồ sơ nhãn hiệu số (1) 90009521 được chính thức chuyển sang giai đoạn công bố (04/05/2021) để các bên có nhu cầu có thể phản đối trong vòng 30 ngày kể từ ngày được công bố trừ khi có đơn xin gia hạn phản đối nếu không nhãn hiệu sẽ được bảo hộ. Ở Úc theo thông tin các báo, Thương vụ Việt Nam ở Úc cũng đã vào cuộc và đang rất tích cực liên hệ chủ đơn, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Úc, cũng như luật sư ở Úc để giải quyết vụ việc này.[1] Tuy nhiên, quay lại bản chất vấn đề là liệu dấu hiệu ST25 có được bảo hộ ở Việt Nam, Mỹ, Úc hay các nước trên thế giới?
Như Cục sở hữu trí tuệ (SHTT) Việt Nam trong bài “Một số vấn đề liên quan đến thông tin thương hiệu gạo ST25 bị “đánh cắp” tại Hoa Kỳ” đã được đăng tải trên web của Cục khẳng định rằng ST25 chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm nên không được bảo hộ với chức năng là một nhãn hiệu.[2] Điều này cũng tương đồng với pháp luật nhãn hiệu các nước như ở Úc được quy định ở Section 41[3] hay Mỹ quy định tại 15 U.S. Code § 1052.[4]
Yêu cầu nhãn hiệu được bảo hộ
Đầu tiên, các doanh nghiệp cần hiểu dấu hiệu được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu thường phải có khả năng tự phân biệt và khả năng phân biệt với dấu hiệu khác. Khả năng tự phân biệt tức dấu hiệu này không thuộc trường hợp các dấu hiệu không có khả năng phân biệt[5] và cũng không thuộc trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa là nhãn hiệu.[6] Ngoài ra, nhãn hiệu cần có khả năng phân biệt với dấu hiệu khác tức không được trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ, hay nhãn hiệu đã nộp trước (có ngày ưu tiên sớm hơn) đối với các nhóm hàng hóa/dịch vụ trùng hoặc tương tự.
Cần phải nhấn mạnh rằng bản thân dấu hiệu ST25 thuộc trường hợp không có khả năng tự phân biệt tức đó là dấu hiệu loại trừ không đáp ứng yêu cầu bảo hộ cho nhóm 30 là gạo. Điều này đã được thể hiện rõ tại các Thông báo dự định từ chối đối với các hồ sơ nhãn hiệu chứa dấu hiệu ST25 ở Mỹ[7] khi cho rằng “ST25” chỉ là tên gọi thông thường của sản phẩm là gạo, và người tiêu dùng cần tên này để gọi tên sản phẩm.
Cha đẻ của ST25 nên làm gì?
Vậy câu hỏi đặt ra là cha đẻ của dấu hiệu này mà cụ thể là doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí hay Kỹ sư Hồ Quang Cua nên làm gì để bảo vệ không chỉ là đứa con tinh thần của mình mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc trong khi dấu hiệu ST25 đơn thuần thì không thể bảo hộ theo pháp luật SHTT?
Nếu thời gian quay lại
Từ đầu, ngay khi gạo ST25 đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice tại Philipines vào tháng 11 năm 2019[8] doanh nghiệp đã nên nghĩ ngay đến vấn đề đăng ký bảo hộ dấu hiệu này bằng việc lựa chọn cũng như tra cứu kỹ càng dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu để có khả năng được bảo hộ cao theo pháp luật SHTT Việt Nam và các nước. Một vài ví dụ như (a) lựa chọn “nhãn hiệu chữ” với tên người tạo ra giống lúa hay từ ngữ có tính phân biệt với sản phẩm là gạo, (b) “nhãn hiệu hình” như lựa chọn hình ảnh được thiết kế cách điệu có tính phân biệt, sáng tạo hay (c) “nhãn hiệu kết hợp” gồm cả chữ và hình ảnh.
Sau khi lựa chọn được tập nhãn hiệu đáp ứng yêu cầu về tính tự phân biệt, doanh nghiệp cần tiến hành tra cứu nhằm tìm ra các dấu hiệu trùng hay tương tự có khả năng gây nhầm lẫn đã được bảo hộ hay đã nộp đơn trước (có ngày ưu tiên sớm hơn) đối với gạo hay các sản phẩm liên quan đến gạo. Bên cạnh cơ sở dữ liệu nhãn hiệu quốc gia cần nộp, doanh nghiệp cũng cần tra cứu các đối tượng SHTT khác như kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giống cây trồng, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý v.v. Xa hơn nữa là việc kiểm tra các cơ sở dữ liệu nhãn hiệu của một vài thị trường lớn ở nước ngoài nếu xác định được tiềm năng xuất khẩu của doanh nghiệp, thực hiện tương tự các bước như ở trong nước và tiến hành đăng ký bảo hộ.
Tuy nhiên, hiện tại doanh nghiệp nên làm gì?
Tận dụng lợi thế truyền thông trong thời gian qua, tiến hành đăng ký một dấu hiệu phân biệt mới hoàn toàn có khả năng cao đáp ứng các yêu cầu bảo hộ theo luật nhãn hiệu các nước. Sau đó tập trung vào việc sử dụng và tiếp tục truyền thông về nhãn hiệu mới nộp hồ sơ nhằm giới thiệu ngay dấu hiệu mới đến khách hàng tạo nên ấn tượng liên kết với sản phẩm. Làm cách này về ngắn hạn, doanh nghiệp có thể tốn thêm chi phí để thay đổi thiết kế bao bì hiện tại và thêm thời gian để khách hàng nhận biết nhãn hiệu mới. Tuy nhiên, trong dài hạn nếu nhãn hiệu được bảo hộ thì sẽ là nhãn hiệu có độ phân biệt cao giúp hình thành được ấn tượng liên kết mạnh trong tâm trí khách hàng.
Điều này đã được doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện qua việc ngày 03/05/2021 doanh nghiệp đã thuê đại diện nộp hồ sơ nhãn hiệu cho Nhóm 30 (gạo) tại Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu của Mỹ với hình ảnh của chính ông Cua đeo mắt kính đang cười cùng những cây lúa và chữ “GẠO ÔNG CUA”. Hình ảnh của chính ông Cua là yếu tố phân biệt rất mạnh của nhãn hiệu này, bởi đây là hình ảnh của một con người cụ thể cho một sản phẩm cụ thể, thêm nữa còn sử dụng cả chính tên riêng của nhân vật trong hình.
Hình 1. Hình mẫu nhãn hiệu đăng ký ở Mỹ cho nhóm 30 (gạo)
Cách hai, doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký bảo hộ bao bì nhãn hiệu mà doanh nghiệp đang sử dụng. Lưu ý, nếu tiến hành đăng ký bảo hộ bao bì này với chức năng là nhãn hiệu thì cần tuyên bố các dấu hiệu loại trừ (tức không được bảo hộ riêng) như dấu hiệu chữ gạo ST25, thông tin mô tả doanh nghiệp như địa chỉ, số điện thoại v.v. . Lúc này khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu là dựa trên ấn tượng tổng thể của bao bì. Làm cách này, trong ngắn hạn doanh nghiệp vẫn tận dụng được độ “nóng” và ấn tượng liên kết đã có sẵn của khách hàng trong thời gian vừa qua để cứ thế mà bán hàng. Tuy nhiên, trong dài hạn vì nhãn hiệu là sự kết hợp của các yếu tố loại trừ hoặc những yếu tố không tồn tại được độc lập, do đó việc xác định hành vi xâm phạm nhãn hiệu đối với các nhãn hiệu dựa trên ấn tượng tổng thể là khó khăn hơn so với cách 1. Ngoài ra, tiến hành nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với bao bì sản phẩm cũng là một cách mà doanh nghiệp có thể cân nhắc nhằm gia tăng rào cản pháp lý chống lại các hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, doanh nghiệp Hồ Quang Trí còn có thể tham khảo thêm các chiến lược pháp lý rất hay đã được LS. Lê Quang Vinh (Công ty SHTT Bross & Cộng sự) đã đề cập trong bài “Đâu là chiến lược thượng sách giành lại thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ”.
Ngân Trần_Trademark Attorney
Maygust Trademark Attorneys là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ nhãn hiệu do Ngân Trần sáng lập. Vui lòng liên hệ Ngân tại email: ngan.tran@maygusttrademarks.com.au hoặc theo số điện thoại (+61) 416937639 để được tư vấn giải pháp bảo vệ nhãn hiệu của Quý công ty tại thị trường nước ngoài và việc quản trị các tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.
[1] Gạo ST 24, ST 25 bị đăng ký nhãn hiệu tại Úc: Phía doanh nghiệp ở Úc sẽ xem xét lại vụ việc tại https://www.thesaigontimes.vn/315965/gao-st-24-st-25-bi-dang-ky-nhan-hieu-tai-uc-phia-doanh-nghiep-o-uc-se-xem-xet-lai-vu-viec.html truy cập ngày 11/05/2021.
[2] http://ipvietnam.gov.vn/web/guest/tin-tuc-su-kien/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/mot-so-van-e-lien-quan-en-thong-tin-thuong-hieu-gao-st25-bi-anh-cap-tai-hoa-ky?fbclid=IwAR1ikWgDBz8aAU9hcPqvBd5YCNsp-bBY3hy4FGsmJii77AWa85PWWVdLCas.
Note 1: Trade marks that are not inherently adapted to distinguish goods or services are mostly trade marks that consist wholly of a sign that is ordinarily used to indicate:
(a) the kind, quality, quantity, intended purpose, value, geographical origin, or some other characteristic, of goods or services; or (b) the time of production of goods or of the rendering of services
[4] 15 U.S. CODE § 1052 – TRADEMARKS REGISTRABLE ON PRINCIPAL REGISTER; CONCURRENT REGISTRATION. NO TRADEMARK BY WHICH THE GOODS OF THE APPLICANT MAY BE DISTINGUISHED FROM THE GOODS OF OTHERS SHALL BE REFUSED REGISTRATION ON THE PRINCIPAL REGISTER ON ACCOUNT OF ITS NATURE UNLESS IT… (E) CONSISTS OF A MARK WHICH (1) WHEN USED ON OR IN CONNECTION WITH THE GOODS OF THE APPLICANT IS MERELY DESCRIPTIVE OR DECEPTIVELY MISDESCRIPTIVE OF THEM…
[5] như dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, hay dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất v.v. trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Khoản 2, điều 74, Luật SHTT.
[6] như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước; tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; v.v. Điều 73, Luật SHTT
[7] Thông báo dự định từ chối ngày 20/11/2020 của USPTO đối với hồ sơ nhãn hiệu số 90085988 và số 90151727.
Comentarios